Breaking News

Vẻ độc đáo của 7 con hẻm ở Sài Gòn

Sài Gòn có hẻm thiền với 5 ngôi chùa, hẻm kiến trúc người Hoa hơn trăm tuổi, hẻm ve chai, hẻm ông Tiên, hẻm Graffiti màu sắc... khá nổi tiếng. 
Con hẻm 76 Hai Bà Trưng, quận 1, chiều nào cũng nườm nượp khách ra vào để ăn xế. Ở đây có đa dạng các món bánh canh, cháo lòng, bún thịt nướng... với giá bình dân từ 10.000 đến 15.000 đồng, nên được ví là hẻm ẩm thực. Giá cả mềm, thức ăn đa dạng lại bán đúng giờ tan tầm nên rất nhiều nhân viên văn phòng, sinh viên, học sinh tìm đến thưởng thức.


Giới trẻ mê chụp ảnh ở Sài Gòn không còn xa lạ với hai con hẻm màu sắc ở 59 Nguyễn Du, quận 1, gần Bưu điện trung tâm thành phố. Lối đi hẹp dẫn vào bên trong là vài tiệm cơm nhỏ với màu sơn tường xanh coban đẹp mắt. Theo các phó nháy, ưu điểm của con hẻm là mảng tường xanh lên màu chuẩn, nhất là khi có nắng rọi vào con hẻm hình thành những bức hình ấn tượng. Màu sơn của tường là do chủ một quán nước của Ấn Độ sơn lên cho đồng bộ với nội thất quán. Giới trẻ ví von đây là con hẻm được chụp hình nhiều nhất ở Sài Gòn hay hẻm "cele" (viết tắt của từ celebrities, tức người nổi tiếng) vì có thể bắt gặp nhiều nhân vật nổi tiếng đến đây chụp hình.
Được giới trẻ quan tâm nhiều không kém là hẻm Graffiti 15B Lê Thánh Tôn (quận 1) dài hơn 110 m với hàng trăm bức vẽ ấn tượng. Những tác phẩm màu sắc sống động trong hẻm tạo nên nét đặc trưng mới lạ. Những người lớn tuổi chia sẻ, buổi sáng tập thể dục chạy qua con hẻm nhỏ thấy màu sắc tươi tắn cũng phấn khởi hơn.
Sài Gòn có hàng trăm hẻm lớn nhỏ, có những con hẻm chằng chịt, ngoằn ngoèo mà chất chứa bao tình người và sự sẻ chia như hẻm heo đất và hẻm ông Tiên. Hẻm heo đất 60 Lý Chính Thắng (quận 3) có tiệm bánh mì đặc biệt của má Cúc, tên gọi thân mật mọi người dành cho bà Nguyễn Thị Bạch Cúc. Má Cúc, 72 tuổi, là chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 3, phường 8. Từ nhiều năm nay, bà cặm cụi bỏ tiền lời từ xe bánh mì và thu gom ve chai nuôi heo đất. Mỗi năm đến tháng 9 bà "mổ heo" lấy tiền san sẻ cho các mái ấm, những người neo đơn trong khu phố hay cưu mang sĩ tử mùa thi.
Những việc làm âm thầm bao năm của bà đã như "mưa dần thấm đất" tác động tới bà con trong con hẻm, dấy lên phong trào gom ve chai việc làm thiện nguyện. Mọi người trong khu phố không ai bảo ai, tự gom góp để dành ve chai đem đến nhà má Cúc cùng nhau nuôi heo đất. Heo đất được đặt bên cạnh xe bánh mì được nhiều người ủng hộ tiền lẻ, có Việt kiều nghe câu chuyện tìm đến xin đóng góp một số tiền khá lớn để cùng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, nổi tiếng với các dịch vụ không mất tiền như thùng thuốc, sửa xe, bơm vá miễn phí cho người khuyết tật, xe ôm miễn phí cho người già, trà đá và dịch vụ mai táng miễn phí. Những người dân đi ngang đều cảm thấy ấm lòng vì tình người chan chứa ở Sài thành. Người nảy ra ý tưởng và nỗ lực để duy trì những hoạt động miễn phí này là ông Đỗ Văn Út, sinh năm 1963. Hiện nay những hoạt động từ thiện ở con hẻm này được nhiều tài xế xe ôm hưởng ứng, mọi người đi ngang góp tiền làm đầy tủ thuốc nên các hoạt động vẫn duy trì. Người thành phố đặt biệt danh cho con hẻm là hẻm Ông Tiên hay hẻm Tiên.
Những ai muốn tìm cảm giác thư thái, tách biệt với sự ồn ào huyên náo, hẻm thiền là một gợi ý thú vị. Con hẻm 498 Lê Quang Định (quận Gò Vấp) này có đến 5 ngôi chùa: chùa Gia Lam, Huệ Đức Tự, Châu An Tự, chùa Liêm Ứng, tịnh xá Ngọc Phương. Đa số dân khu vực này theo đạo Phật.
Những người dân địa phương cho rằng, hẻm thiền được các vị sư đánh giá là vùng đất long mạch tốt, quý hiếm nên nhiều ngôi chùa tề tựu về đây. Nhiều người dân, phật tử cũng thích tới hẻm thuê nhà, mua đất bởi thích không khí yên tĩnh. Bước vào con hẻm là không gian yên tĩnh, gió mát, người già quét lá, những đứa trẻ nô đùa cùng bà, bóng dáng phật tử kính cẩn khấn nguyện trước ngôi chùa...
Một con hẻm khác tiêu biểu cho đời sống của bộ phận người dân khu vực Chợ Lớn là hẻm Hào Sĩ Phường ở 206 Trần Hưng Đạo (quận 5). Đây là hẻm có kiến trúc đặc biệt dạng nhà tập thể một tầng, được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Nơi đây, người Việt gốc Hoa tề tựu sinh sống với những nét sinh hoạt gần gũi và vẫn giữ nét văn hóa truyền thống riêng.

Bài đăng phổ biến